HVQY: phát minh, phát hiện và sáng chế là những sản phẩm đặc biệt của nghiên cứu khoa học. Tại Việt Nam, những khái niệm này có trong từ điển Bách khoa Việt Nam và trong các bài giảng, giáo trình, tài liệu chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ nhưng gần như không phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nên không phải ai cũng biết và hiểu đúng. Vậy nên chúng ta vẫn thường thấy TV, đài, báo, thậm chí khá nhiều từ điển, báo cáo nghiên cứu khoa học cũng bị nhầm lẫn khi đề cập những thuật ngữ này.
Hình mang tính minh họa
Phát minh (Discovery).
- Khái niệm: là sự khám phá ra những quy luật, những tính chất hoặc những hiện tượng của thế giới vật chất tồn tại khách quan mà trước đó chưa ai biết, nhờ đó làm thay đổi cơ bản nhận thức của con người (*).
- Ví dụ: Newton phát minh định luật vạn vật hấp dẫn, Archimède phát minh định luật sức nâng của nước, DacUyn phát minh thuyết tiến hóa…
- Nhận diện: phát minh là khám phá về quy luật khách quan trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, có khả năng áp dụng để giải thích thế giới nhưng chưa thể áp dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc đời sống mà phải thông qua sáng chế, không có giá trị thương mại, không được bảo hộ pháp lý.
Phát hiện (Discovery).
- Khái niệm: là sự khám phá ra những vật thể, những quy luật xã hội đang tồn tại một cách khách quan (*).
- Ví dụ: Marie Curie phát hiện nguyên tố phóng xạ Radium, Kock phát hiện vi trùng lao, Christoph Colomb phát hiện Châu Mỹ, Karl Marx phát hiện quy luật giá trị thặng dư...
- Nhận diện: phát hiện là sự khám phá ra các vật thể hoặc các quy luật xã hội, làm thay đổi nhận thức, không có tính mới, chưa thể áp dụng trực tiếp vào đời sống, không có giá trị thương mại, không được bảo hộ pháp lý.
Sáng chế (Invention).
- Khái niệm: sáng chế là giải pháp kỹ thuật mang tính mới về nguyên lý kỹ thuật, tính sáng tạo và áp dụng được (*). Giải pháp kỹ thuật có thể tồn tại ở các hình thức: dạng vật thể (máy móc, dụng cụ, thiết bị…), dạng chất thể (dược phẩm, vật liệu…), dạng quy trình (quy trình nuôi cấy tế bào sâm Ngọc Linh, quy trình xử lý nước thải bệnh viện)…
- Ví dụ: sáng chế bóng đèn điện của Thomas Edison, cột thu lôi của Benjamin Franklin, máy hơi nước của James Watt, công thức thuốc nổ TNT của Nobel, tai nghe khám bệnh của Laennec…
- Nhận diện: sáng chế là loại thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ, trong khoa học xã hội và nhân văn không có sản phẩm loại này. Tính mới là một trong những tiêu chí hàng đầu của sáng chế (phát minh và phát hiện không có tiêu chí này). Sáng chế có khả năng áp dụng nên có ý nghĩa thương mại, được cấp bằng sáng chế (patent), có thể mua bán hoặc ký kết các hợp đồng cấp giấy phép sử dụng (licence), được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Bảng tổng hợp so sánh các tiêu chí của phát hiện, phát minh, sáng chế (*)
Tiêu chí
|
Phát hiện
|
Phát minh
|
Sáng chế
|
Bản chất
|
Nhận ra vật thể hoặc quy luật xã hội vốn tồn tại
|
Nhận ra quy luật tự nhiên vốn tồn tại
|
Tạo ra phương tiện mới về nguyên lý kỹ thuật, chưa từng tồn tại
|
Khả năng áp dụng để giải thích thế giới
|
Có
|
Không
|
Khả năng áp dụng vào sản xuất/đời sống
|
Không trực tiếp, mà phải qua các giải pháp vận dụng
|
Không trực tiếp, mà phải qua sáng chế
|
Có (có thể trực tiếp hoặc phải qua thử nghiệm)
|
Giá trị thương mại
|
Không
|
Mua bán patent và licence
|
Bảo hộ pháp lý
|
Bảo hộ tác phẩm viết về các pháp hiện và phát minh (theo Luật Quyền tác giả) chứ không bảo hộ bản thân các phát hiện và phát minh
|
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
|
Tồn tại cùng lịch sử
|
Tồn tại cùng lịch sử
|
Tiêu vong theo sự tiến bộ công nghệ
|
(*) Vũ Cao Đàm, Giáo trình Sau đại học: Khoa học và Công nghệ luận, Bộ môn Quản lý Khoa học và Công nghệ - Khoa Khoa học Quản lý - Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội.
ThS Lê Trung Thắng – Ban CNTT – HVQY