Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú Trường Đại học Y - Dược Hà Nội, từ năm 1942 - 1945, ông là bác sĩ thường trú tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong thời gian này, ông đã tỏ ra là một người thầy thuốc trẻ tài năng và đức độ, hết lòng thương yêu và cứu chữa bệnh nhân.
Cách mạng tháng Tám thành công, 35 tuổi, bác sĩ Đinh Văn Thắng được cử làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đa khoa lớn nhất thời đó; hơn một năm sau, ngày 19/12/1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường đi kháng chiến cứu nước. Năm đầu, ông làm Trưởng đoàn Phẫu thuật Liên khu X, phụ trách Trạm Phẫu thuật Phúc Yên - Vĩnh Yên; sau đó làm Giám đốc Sở Y tế Liên khu X ở Phú Thọ. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ y tế, phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ngày 28/8/1948, Thủ tướng Chính phủ đã ký sắc lệnh thành lập hai trường đào tạo y sĩ: một trường cho ngành Y tế và một trường cho ngành Quân y. Trường Quân y sĩ (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay) đã được thành lập, đóng quân tại thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, bác sĩ Đinh Văn Thắng được cử làm Hiệu trưởng Nhà trường. Ngay trong những ngày đầu nhận chức, ông đã cùng với các bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Đình Huấn và một số sinh viên y khoa nhập ngũ… bắt tay xây dựng cơ sở vật chất và biên soạn giáo trình, chuẩn bị đón học viên, đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường xây dựng, trưởng thành và phát triển của Trường Quân y cách mạng Việt Nam. Ngày 10/3/1949, khóa học đầu tiên của Trường Quân y sĩ đã khai giảng trong không khí trang nghiêm tại một ngôi nhà tranh, lộng lẫy băng cờ, khẩu hiệu và ngày đó đã trở thành Ngày Truyền thống của Trường Quân y sĩ Việt Nam trước kia, tiền thân của Học viện Quân y ngày nay.
Trong thời gian này, thực dân Pháp ra sức càn quét, tấn công các cơ sở kháng chiến của ta. Ngày 18/8/1949, chúng đã mở cuộc hành quân mang tên Kanguru, cho máy bay bắn phá và thả quân nhảy dù lùng sục khắp vùng, bác sĩ Đinh Văn Thắng không may bị địch bắt đưa về Hà Nội. Để mời gọi các trí thức đang tham gia kháng chiến rời bỏ hàng ngũ cách mạng trở về Thủ đô, kẻ địch vẫn để ông làm chuyên môn. Trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm, ông vẫn hướng về kháng chiến, tận tình cứu chữa cho các chiến sĩ và cán bộ hoạt động nội thành, cung cấp thông tin thu thập được của địch cho Việt Minh. Ông có uy tín lớn, được lòng mến mộ của nhân dân. Vì vậy, hòa bình lập lại, khi Thủ đô được giải phóng (10/1954), ông được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viên Bạch Mai và năm 1955 được phong chức danh Giáo sư, một trong những giáo sư đầu tiên của Việt Nam.
Một vinh dự lớn đã đến với GS. Đinh Văn Thắng vào đêm Giao thừa Tết Canh Tý 27/01/1960. Đêm hôm đó, Hà Nội mưa phùn và rét đậm, Bác Hồ đã đến thăm và chúc Tết gia đình ông ở nhà riêng, số 5 phố Chân Cầm, Hà Nội trong tình yêu thương của một người cha đến với con cháu trong nhà. Bác ngồi nói chuyện thân mật với GS. Thắng và các con của ông, hỏi thăm tình hình công tác, việc học tập của các cháu và việc chuẩn bị đón Tết của gia đình. Bác chuyển lời chúc Tết tới bà Nguyễn Thị Hảo, vợ ông, đang trực ở Nhà hộ sinh Cầu Đất, không được gặp Bác trong đêm Giao thừa thiêng liêng năm đó. Niềm vui và vinh dự lớn đó đã động viên, khích lệ GS. Đinh Văn Thắng trong suốt quá trình hoạt động và công tác của mình.
Trong thời gian đầu Hà Nội mới giải phóng, ngoài mấy nhà hộ sinh, việc chăm sóc sinh sản cho phụ nữ cả thành phố chủ yếu trông cậy vào Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai do GS. Đinh Văn Thắng làm Chủ nhiệm với phương tiện còn thô sơ, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, ông đã tích cực đề nghị Nhà nước bổ sung cán bộ y tế và cung cấp thêm trang thiết bị, thuốc men dụng cụ chuyên khoa để triển khai việc đỡ đẻ, mổ đẻ, khám chữa bệnh phụ khoa, chăm sóc trẻ sơ sinh, các xét nghiệm hiện đại, nâng cao kỹ thuật mổ lấy thai… Ông cùng các bác sĩ Nguyễn Thìn, Nguyễn Huy Cận… xây dựng được một khoa Phụ Sản ổn định, từng bước phát triển với trình độ chuyên môn dần nâng cao, áp dụng được nhiều kỹ thuật mới. Sau 5 năm (1955 - 1960), Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai đã được phát triển, theo sự đề nghị tích cực của Giáo sư Thắng, ngày 08/11/1960, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bệnh viện chuyên khoa Phụ Sản tại địa điểm mới. Bệnh viện có một số đơn vị và khoa phòng tương đối hoàn chỉnh, đi vào hoạt động tốt, đã khám và chữa bệnh cho hàng vạn chị em phụ nữ, đảm bảo “mẹ tròn con vuông” cho hàng ngàn sản phụ của Hà Nội và các tỉnh chuyển về.
Tuy vậy, GS. Đinh Văn Thắng vẫn ngày đêm trăn trở nghĩ suy trước tình trạng phụ nữ Việt Nam có thêm những bệnh mới, gặp nhiều tai biến sinh sản có thể dẫn tới tử vong. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế, giải trình, thuyết phục các cơ quan cấp trên về sự cần thiết phải thành lập một viện chuyên ngành, ngoài việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh, còn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến dưới và đào tạo cán bộ chuyên khoa. Đáp ứng nhu cầu cấp thiết đó, mặc dù miền Bắc đang phải chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ngày 14/5/1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định thành lập Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ Sản Trung ương), đồng thời bổ nhiệm GS. Đinh Văn Thắng làm Giám đốc. Hơn 45 năm qua, các thế hệ cán bộ, thầy thuốc và nhân viên của Viện đã kế tục xứng đáng sự nghiệp của GS. Đinh Văn Thắng, nỗ lực phấn đấu không ngừng xây dựng Bệnh viện ngày một trưởng thành và phát triển, không phụ lòng mong mỏi của ông, xứng đáng với sự tin cậy của Nhà nước và sự tín nhiệm của nhân dân.
Với kiến thức y học uyên bác và tấm lòng thầy thuốc nhân hậu, GS. Đinh Văn Thắng luôn trực tiếp đi sâu, đi sát công tác chuyên môn. Hàng ngày, ông chủ trì giao ban bệnh viện, đi thăm khám và kiểm tra các phòng bệnh, thăm hỏi từng bệnh nhân, mổ những trường hợp khó, giảng lâm sàng cho bác sĩ trẻ và sinh viên. Nhiều lần, dù là mùa hè nóng bức hay mùa đông rét mớt, đêm khuya ông còn đến bệnh viện để thăm lại bệnh nhân nặng hoặc cho hướng xử trí những ca bệnh khó. Ông còn là một ngƯời thầy giáo mẫu mực, mô phạm, toàn diện cả về lý thuyết y học lẫn thực hành lâm sàng với phương pháp sư phạm tuyệt vời. Các thế hệ học trò của Giáo sư cho đến hôm nay vẫn còn giữ được những ấn tượng sâu sắc về các bài giảng lý thuyết và lâm sàng của ông. Ngoài việc điều trị và giảng dạy, ông còn chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị. Giáo sư là người đầu tiên ở Việt Nam dùng hóa chất chống ung thư cho các bệnh nhân chửa trứng và ung thư nguyên bào nuôi đạt kết quả khả quan. Năm 2000, ông đã đợc truy tặng Giải thởng Nhà nớc về Khoa học và Công nghệ cho tập hợp các công trình nghiên cứu khoa học thuộc ngành Sản Phụ khoa.
Ngoài công tác chuyên môn, GS. Đinh Văn Thắng còn là một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Ông là đại biểu Quốc hội ba khóa II, III, IV (1960 - 1974), Chủ tịch Hội Sản Phụ khoa và Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Tổng hội Y học Việt Nam. Cuối năm 1973, GS. Đinh Văn Thắng bị ốm nặng, phải vào nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, Hà Nội. Mặc dù đã được các thầy thuốc tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh tật hiểm nghèo, ông đã ra đi vào ngày 02/01/1974 trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và học trò, để lại bao dự định, hoài bão còn dang dở.
GS. Đinh Văn Thắng đã đi xa gần 40 năm mặc dù chỉ làm Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ trong một thời gian ngắn, nhưng hình ảnh về một người thầy thuốc tài năng, đức độ, một người thầy giáo uyên bác, mẫu mực vẫn mãi mãi còn in đậm trong tâm trí chúng ta - những cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Học viện Quân y ngày nay.
Lê Gia Vinh - Phòng Sau đại học