Với nỗ lực vượt khó và sáng tạo không ngừng của tập thể bộ môn, nhiều mô hình bệnh lý có giá trị khoa học và thực tiễn lớn mang “thương hiệu” Sinh lý bệnh đã ra đời, được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học và đào tạo…
Thế mạnh truyền thống
Biết chúng tôi là người “ngoại đạo”, nên Thượng tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lĩnh Toàn, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý bệnh đã giới thiệu khá kỹ về chức năng, nhiệm vụ của bộ môn. Có thể hiểu nôm na, Sinh lý bệnh là bộ môn nghiên cứu về những thay đổi của cơ thể, cơ quan, mô, tế bào khi bị bệnh, từ đó rút ra cơ chế bệnh sinh của bệnh, làm cơ sở cho chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tật. Ngoài chức năng giảng dạy, bộ môn còn tích cực nghiên cứu khoa học, xây dựng các mô hình bệnh lý. Được biết, để chứng minh cơ chế bệnh sinh hoặc can thiệp điều trị đòi hỏi phải có các mô hình bệnh lý thích hợp. Chính vì vậy, kế thừa, phát triển các mô hình bệnh lý có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Trong câu chuyện với chúng tôi, những người mà Thượng tá Nguyễn Lĩnh Toàn nhắc đến với sự kính trọng, biết ơn sâu sắc là các bậc “tiền bối” của bộ môn, như cố GS. NGƯT Nguyễn Hữu Mô; PGS.TS.NGƯT Đỗ Hoàng Dung; GS.TS.NGND Nguyễn Văn Nguyên; PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Tỵ... Đó vừa là những nhà giáo mô phạm, mẫu mực; vừa là những thầy thuốc tài năng, đức độ, có những đóng góp to lớn vào việc xây nền móng để Bộ môn Sinh lý bệnh phát triển như ngày hôm nay.
Ngay thời gian đầu sau ngày thành lập (15-3-1958), Bộ môn Sinh lý bệnh đã tích cực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị được thực hiện, trong đó có các mô hình bệnh lý đã được sử dụng trong thực hành đào tạo các bác sĩ ngành y như: Mô hình sốc chấn thương, Mô hình sốc mất máu, Mô hình gây bỏng thực nghiệm, Mô hình gây loét da do chất độc crome, Kỹ thuật phát hiện nhanh nhiễm độc chất độc lân hữu cơ…
“Sinh lý bệnh là môn học về cơ chế sinh bệnh nên có vị trí quan trọng trong đào tạo đối tượng bác sĩ, cũng như thạc sĩ và tiến sĩ; là môn học làm cầu nối giữa các môn học cơ sở với các môn học lâm sàng”, Chủ nhiệm Nguyễn Lĩnh Toàn chia sẻ.
Tiên phong nghiên cứu tạo mô hình khối ung thư
Điều khiến thế hệ cán bộ, bác sĩ của Bộ môn Sinh lý bệnh hôm hay luôn tự hào, là họ đã kế thừa xứng đáng thành quả do các thế hệ cán bộ đi trước xây đắp lên, khi tiếp tục đưa công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của bộ môn ngày càng phát triển, đặc biệt là sinh lý bệnh thực nghiệm, đạt được những tiến bộ vượt bậc. Đối với bệnh lý ung thư, mặc dù đã trên thế giới đã đạt được nhưng thành tự to lớn, nhưng đến nay điều trị ung thư vẫn đang là vấn đề nan giải. Chính vì vậy, nghiên cứu tìm ra các chế phẩm mới có khả năng chống ung thư ở người có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn, mang lại lợi ích cho người bệnh. Thượng tá Nguyễn Lĩnh Toàn cho biết: “Được Nhà nước, trực tiếp là Bộ Quốc phòng đầu tư xứng đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, Học viện Quân y, trong đó có Bộ môn Sinh lý bệnh được đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; tiếp thu nhiều công nghệ tiên tiến; cán bộ được đi học tập, đào tạo tại các nước có nền y học phát triển…đó là những tiền đề quan trọng giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong nghiên cứu khoa học”.
Một trong những mô hình bệnh lý nâng “thương hiệu” của Bộ môn Sinh lý bệnh nói riêng, Trung tâm Y sinh Dược học quân sự (Học viện Quân y nói chung), lên một bước, đó là mô hình ghép tạo khối ung thư người trên chuột thiếu hụt miễn dịch (nude mice). Đây là loại mô hình lần đầu được triển khai áp dụng thành công ở nước ta, tính đến thời điểm hiện nay.
Có thể thấy, ung thư đang là căn bệnh nan y và phổ biến trên thế giới, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn, nan giải. Để có thể nghiên cứu điều trị có hiệu quả bệnh ung thư, đòi hỏi phải có mô hình bệnh lý ung thư gần với ung thư trên người để tìm ra cơ chế gây bệnh, phương pháp điều trị, cũng như đánh giá tác dụng kháng ung thư của các chế phẩm mới. Trước đây, các nghiên cứu ung thư thực nghiệm ở nước ta mới chỉ dừng lại ở mô hình gây hoặc ghép tạo khối ung thư đồng loài (ví dụ cấy tế bào ung thư chuột trên chuột), với nhiều đặc điểm sinh học, bản chất khác với ung thư ở người, nên có nhiều hạn chế, đặc biệt khi triển khai các phương pháp điều trị ung thư mới ở người như liệu pháp gene, liệu pháp trúng đích...
Để khắc phục hạn chế nói trên, Bộ môn Sinh lý bệnh đã tiếp cận nhanh với những thành tựu của của y học thế giới, triển khai mô hình ghép tế bào tạo khối ung thư người trên chuột thiếu hụt miễn dịch. Hiện nay, đã thành công với mô hình ghép tạo khối ung thư người như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tế bào gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày trên loài chuột thiếu hụt miễn dịch. Sau ghép, tế bào phát triển thành các khối ung thư ở chính tại nơi cấy tế bào. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng mô hình bệnh lý, Bộ môn Sinh lý bệnh đang chủ động đẩy mạnh hợp tác, tìm kiếm nguồn tài trợ của Nhà nước, bộ, ngành và các tổ chức trong và ngoài Quân đội, để nghiên cứu tìm kiếm các chế phẩm có khả năng điều trị ung thư được đánh giá trên mô hình ung thư nói trên.
Tại phòng kỹ thuật ghép tế bào tạo ung thư tuyến tiền liệt trên chuột thiếu hụt miễn dịch, thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư của Học viện Quân y, Thiếu tá, Tiến sĩ Hồ Anh Sơn, giảng viên Bộ môn Sinh lý bệnh đang chăm chú đo kích thước khối ung thư và tiêm thuốc cho những con chuột thiếu hụt miễn dịch. Thiếu tá Sơn chia sẻ, khó nhất là kỹ thuật gây ung thư và duy trì cho chuột tồn tại để đánh giá mức độ tiến triển của ung thư. Anh chia sẻ, điều khiến anh tâm đắc nhất là việc nghiên cứu ung thư trên chuột thiếu hụt miễn dịch của bộ môn đã bắt kịp với tốc độ nghiên cứu của nhiều nước có nền y học phát triển.
Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý bệnh Nguyễn Lĩnh Toàn thì phấn khởi: "Một thành công bước đầu nữa có thể kể đến, là chúng tôi đã chứng minh được tác dụng điều trị ung thư người trên chuột tiền lâm sàng của một số loại thuốc mới".
Chia sẻ của các thầy thuốc Bộ môn Sinh lý bệnh đang phát đi một tín hiệu vui đối với công tác nghiên cứu điều trị ung thư. Không chỉ dừng lại ở đó, với trách nhiệm của các chiến sĩ áo trắng, các anh còn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu trên nhiều mô hình bệnh lý khác, phục vụ thiết thực cho sự phát triển của nền y học nước nhà...
Kể từ ngày thành lập đến nay, Bộ môn Sinh lý bệnh đã thực hiện hơn 73 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp từ cơ sở đến cấp Nhà nước. Trong đó, bộ môn đã chủ trì 6 đề tài cấp Nhà nước, 32 đề tài cấp bộ và tương đương, 10 đề tài cấp cơ sở, tham gia hơn 25 đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở. Bộ môn đã hướng dẫn 28 nghiên cứu sinh và 28 thạc sĩ; hướng dẫn 24 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt các giải từ cấp học viện, Bộ đến toàn quốc. Ngoài ra, Bộ môn Sinh lý bệnh còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ cấp cơ sở đến cấp bộ; là tác giả hoặc đồng tác giả của 30 bài báo quốc tế được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín và tham gia báo cáo kết quả nghiên cứu tại nhiều hội nghị quốc tế.
Bài, ảnh: HOÀNG HÀ - VĂN TỰ