Nữ Phó Giáo sư có “Trái tim hồng” mang sắc phục xanh

Cập nhật: 7h31 | 27/03/2013

HVQY: Nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, gần gũi, thân thiện và có cá tính là cảm nhận của tôi về nữ phó giáo sư có “trái tim hồng” mang sắc phục xanh. Đó là Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngọc Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y.

Đại tá PGS.TS. Trần Ngọc Anh cùng gia đình tại buổi lễ nhận danh hiệu Phó Giáo sư năm 2012

Sinh ra và lớn lên tại Sơn Tây, thủ đô của lính, hình ảnh anh bộ đội đã trở nên gần gũi và thiêng liêng với chị ngay từ khi còn nhỏ. Bạn bè cùng trang lứa cả nam và nữ hầu hết đều thi vào quân đội. Và với chị Ngọc Anh cũng thế. Chị Ngọc Anh vẫn nhớ như in những lời chia tay bạn: “Tớ sẽ học để trở thành một bác sĩ quân y giỏi, chúng mình hẹn gặp nhau ở chiến trường nhé, lúc đó tớ sẽ băng bó nếu các cậu bị thương”.

Mẹ mất sớm, bố là một sĩ quan quân đội thường xuyên đi công tác, chị được bà ngoại tảo tần nuôi ăn học. Ngày đó, để thi vào Học viện Quân y, các thí sinh đều phải vượt qua vòng sơ tuyển trước khi thi văn hóa. Dáng người nhỏ nhắn, “bé hạt tiêu” nên phải đến năm thứ hai chị mới vượt qua vòng sơ tuyển. Cùng với 35 thiếu nữ khác từ mọi miền của Tổ quốc, chị thi đỗ với số điểm rất cao.

Khoảng thời gian đẹp nhất của bất kỳ phụ nữ nào có lẽ là thời thiếu nữ, thời mà cô gái nào cũng muốn được ăn diện, bay nhảy và giao lưu với bạn bè. Nhưng những nữ học viên quân y thì không có nhiều cơ hội làm đẹp như các bạn sinh viên trường đại học ngoài. Thời thiếu nữ của chị và các nữ học viên khác gắn liền với giảng đường, phòng thí nghiệm, kỷ luật và những bộ quân phục màu xanh. Kể về những kỷ niệm một thời sinh viên, chị tâm sự: Dù rất tự hào khi mang trên mình bộ quân phục nhưng ai cũng biết nó không thể tôn hết vẻ đẹp thời con gái. Trong bộ quân phục xanh, nhìn ai cũng giống nhau, đều tròn tròn, thùng thình và thấp thấp. Trong suốt 6 năm rưỡi sống và học tập trong trường, đi đâu làm gì các chị đều phải mang trên mình bộ quân phục đó. Nhưng quân phục cũng không có nhiều. Những năm 80 đất nước khó khăn, có học kỳ mỗi học viên chỉ có 2 bộ quân phục, thay nhau mặc. Khó khăn vất vả là thế nhưng chị cũng như rất nhiều các học viên nữ khác đều chấp hành nghiêm kỷ luật và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Sống và học tập trong môi trường quân đội chị nhận ra một điều: “Người chấp hành kỷ luật là người tự do nhất”. Tuy nhiên, tác phong nhà binh đã hình thành nên tính cách kỷ luật trong các học viên nữ quân y. Vì vậy, trong cuộc sống sinh hoạt, người quen và họ hàng ai cũng nói chị nhiệt tình, dễ gần và tốt bụng nhưng “hơi cứng”.

Chị Ngọc Anh cũng như nhiều học viên quân y khác đến với ngành y là cả một kho tàng kiến thức mới rộng lớn như đại dương đòi hòi phải có niềm đam mê và sự kiên trì. Chị bảo: Hơn 6 năm học trong trường, mỗi học viên quân y phải hoàn thành trên dưới 50 môn tùy theo khóa học. Trong số hàng chục môn chuyên ngành, Bộ môn Giải phẫu được coi là môn y học cơ sở. Đây là môn quan trọng cho tất cả các học viên nhưng cũng là môn mang lại những kỷ niệm “đáng sợ” nhất trong đời sinh viên y khi tiếp xúc với xác chết. Tất cả học viên khi học môn này đều phải trải qua 3 kỳ thi. Chị kể lại: “Lần đầu tiếp xúc với xác chết học viên nào cũng run nhưng nếu không tiếp xúc thì điểm sẽ kém, còn sợ hơn. Rồi ai cũng “lăn vào” để tìm hiểu”. Mỗi lần tiếp xúc với xác, nước mắt nước mũi chị lại trào ra không ngăn được bởi nồng độ formol cao. Có những đêm về chị mơ thấy mình nằm giữa đống tim gan, phổi mà rùng mình tỉnh dậy. Nhưng rồi cũng quen, các chị hăng say học tập và chỉ mong được tiếp xúc với nhiều mẫu xác để nghiên cứu. Chị bộc bạch: Ngày đó chỉ nghĩ là học cho đạt kết quả tốt chứ có đâu ngờ, mình lại là giáo viên và là trưởng bộ môn “làm bạn với những xác chết” này.

Để đánh giá khái quát nhất về những nữ học viên quân y, chị cho biết: Thông minh, chăm chỉ và có lòng tự trọng cao đó là những đức tính của các nữ học viên quân y. Trên giảng đường không chỉ biết nghe giảng, ghi chép tất cả những kiến thức mà giảng viên truyền thụ, mà còn phải có năng lực và khả năng nghiên cứu. Yếu tố tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo mới là điều quyết định cho khả năng và năng lực của một bác sĩ. Có lẽ vì nghề y, nhất là bác sĩ quân y luôn phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp. Ở chiến trường, làm sao có thể có được những trang thiết bị như ở bệnh viện, nên nghề nghiệp đã luôn đặt ra cho người học viên ý thức trong tính hoạt động độc lập rất cao. Rất may là, khi thi vào ngành y, hầu hết đều là những học sinh có kiến thức tốt, học giỏi. Đặc biệt, các bạn học viên nữ với điểm thi đầu vào rất cao (27 điểm) thường là các tấm gương tiêu biểu của trường mặc dù số học viên nữ chỉ chiếm10% trong tổng số học viên.

Môi trường quân đội với bao kỷ luật nghiêm ngặt và lịch học dầy đặc nhưng cũng mang lại cho chị những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là tiết huấn luyện thể chất bơi ở sông Nhuệ nước đỏ ngầu và cả những con đỉa. Hay những đợt hành quân hàng chục km trên vai là chiếc balô to và khẩu súng AK nặng trĩu. Nhưng có lẽ chị nhớ nhất vẫn là những lần báo động kiểm tra quân tư trang. Chị và nhiều học viên nữ khác hồn nhiên đến mức liệt kê tất cả mọi thứ từ cái nhỏ nhất như dây nịt buộc tóc cho đến những thứ mà chỉ phụ nữ mới dùng. Người ta mơ ước kiếm nhiều tiền nhưng với chị và nhiều nữ giảng viên khác chỉ mơ một ngày có 30 tiếng để có thể lo chu toàn mọi chuyện cơ quan và gia đình. Bộ môn Giải phẫu là một trong những bộ môn nhiều tiết nhất trong Học viện. Mỗi năm, giáo viên khoa chị trung bình phải giảng dạy hơn 1000 giờ. Ngoài ra, giáo viên khoa cũng phải thường xuyên tiếp xúc với chất formol độc hại với mức hỗ trợ là 20.000 đồng cho mỗi ngày. Có lẽ vì lý do đó mà hầu hết các bác sĩ trẻ đều không muốn xin về Khoa như mọi người thường gọi đùa là “Khoa Xác ướp Ai Cập”, ngoại trừ những người có tâm huyết và niềm đam mê khoa học. Chị Ngọc Anh bộc bạch: Ngày trước, khi còn học, mơ ước của chị là làm tại Khoa thần kinh. Nhưng rồi, sau khi học xong cao học về chuyên ngành này, chị được trên phân về Bộ môn Giải phẫu. Nhiệm vụ trên giao và lại là người lính, chị vẫn vui vẻ và quyết tâm làm hết sức mình, xây dựng đơn vị lớn mạnh.

Chị tâm sự: “Những ngày đầu về khoa, gặp không biết bao nhiêu khó khăn”. Hàng đêm sau khi xong công việc ở nhà chị phải thức khuya đọc thêm các tài liệu về bộ môn giải phẫu. Đến khi mang thai cháu thứ hai chị vẫn hăng say lên lớp giảng bài cho đến khi nghỉ đẻ. Cũng trong thời gian này chị làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 40. Năm 2008, chị làm Chủ nhiệm Bộ môn, một trong những nữ trưởng khoa trẻ nhất Học viện. Ngoài việc giảng dạy và quản lý, chị còn đang theo học khóa Văn bằng II ngoại ngữ tiếng Anh. Bận rộn và áp lực vì công việc nhưng chị vẫn đảm bảo tốt trách nhiệm chăm sóc chồng con. Gia đình hạnh phúc của anh chị có 2 con gái đều học rất giỏi. Cháu lớn hiện đang học lớp Chất lượng cao khoa Môi trường - Đại học Khoa học tự nhiên. Cháu được chọn đi giao lưu thanh niên tại Mỹ 5 tuần và với số điểm thi cao, trong năm 2013 cháu sẽ lên đường sang Mỹ làm Nghiên cứu sinh. Con thứ hai của chị cũng luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc với điểm tổng kết trên 9,0. Chồng chị cũng là một bác sĩ trong quân đội, anh là người rất tâm lý luôn ủng hộ chị trong công việc và nghiên cứu. Anh chị quen và yêu nhau khi cả hai cùng học trong Học viện. Thấy tết đã đến gần mà trong nhà chị dường như chưa có chuẩn bị. Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị bảo: Những ngày này anh rất bận bởi đang chuẩn bị tết cho ba mẹ con đấy. Chị cười vui, nụ cười hạnh phúc của nữ quân y đã vượt qua bao khó khăn vất vả đi đến thành công.

Hơn 20 năm học tập và công tác tại trường, Đại tá Trần Ngọc Anh, Trưởng Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y đã đạt được nhiều thành tích đáng nể: 4 năm được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen của Học viện và Bộ Quốc phòng, là giáo viên dậy giỏi nhiều năm liền, tham gia nghiên cứu nhiều đề tài cấp Bộ, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng trong giảng dạy, hướng dẫn các học viên tham gia và giành giải VIFOTEC. Chị cũng lãnh đạo Bộ môn giành được nhiều danh hiệu lớn. Năm 2012, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư.

Một chặng đường người lính, một chặng đường nghề y, một chặng đường nghề giáo, với chị Ngọc Anh, trên tất cả các chặng đường chị đã qua là tất cả sự cố gắng. Khi hỏi chị về bí quyết thành công như hôm nay, chị cười vui vẻ: Lâu lắm rồi, mình có đọc của ai đó có nói: Lòng kiên trì và ý chí phấn đấu không ngừng là quyết định cho mọi giấc mơ. Mình nghĩ, có lẽ đó là bí quyết cho sự thành công, không phải chỉ ở mình mà với ai cũng thế.

Lê Thị Hồng - Khoa Công tác Đảng, Công tác Chính trị

Tin cùng chuyên mục


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN QUÂN Y - BỘ QUỐC PHÒNG
Địa chỉ: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Trưởng ban biên tập: Trung tướng PGS. TS. Nguyễn Xuân Kiên - Giám đốc Học viện Quân y
Giấy phép số 122/GP-TTĐT ngày 23/09/2008 của Bộ TT&TT
Thiết kế bởi Ban CNTT - Phòng KHQS - Học viện Quân y
Nhà cái Thabet: https://thabet.asia/