Một câu chuyện thành công…
Năm 1999, Viện Bỏng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Dương, 15 tuổi, ở Nghệ An. Trong khi đang leo cây bắt chim, Dương bị trượt tay rơi xuống đường dây điện cao thế, bị cháy sém đến 3 xương sườn và cả cơ thể bỏng rất nặng. Qua vài ngày điều trị, gia đình đã trực tiếp gặp Giáo sư Lê Năm để cảm ơn và xin đưa con về nhà.
Một số y, bác sĩ cũng chấp nhận yêu cầu của gia đình, vì Dương bỏng quá nặng. Ngay sau đó, ông đã triệu tập một cuộc họp. Ông cho rằng: "Đây là ca đặc biệt nặng, nếu ta để bệnh nhân ra về rồi muôn đời chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ này sao?! Đây cũng là một thử thách trình độ chuyên môn của Viện Bỏng. Nếu chúng ta không tiếp tục điều trị, thì khác nào chúng ta đang rút lui những bước chân đầu tiên trên con đường đã và đang phát triển?!...". Lời phát biểu quyết tâm của "anh cả" Viện Bỏng quốc gia khiến các y, bác sĩ phải suy nghĩ và quyết tâm tiếp tục vào cuộc.
Cả thân người bệnh nhân cháy đen, phần mông bị dây điện đốt cháy lõm sâu tận xương, 3 xương sườn cháy sém, mạch đập yếu... Ông bắt tay vào lần mổ đầu tiên là khắc phục 3 xương sườn. Ca mổ tiến triển tốt và phải chờ một thời gian khá dài để bệnh nhân có đủ sức khỏe. Ông mới tiếp tục ca mổ lần 2 để khắc phục phần vai bị cháy và gãy nát khi bị rơi xuống. Đây cũng là ca mổ khó khăn nhất, bệnh nhân thiếu máu, mạch yếu. Vừa mổ, vừa phải truyền máu. Nguồn máu dự trữ ở bệnh viện, người thân đã cạn, ông liên hệ đơn vị bạn giúp đỡ... Lần lượt, bệnh nhân trải qua tới 14 lần mổ, trong đó, ông Năm trực tiếp mổ 6 lần đầu vô cùng khó khăn, 8 lần sau, ông trực tiếp chỉ đạo, điều hành các ca mổ...
Một ngày đẹp trời, khi ông đang ngồi làm việc trong phòng, chính bệnh nhân đã đến tận phòng chào ông để ra viện. Hai ông cháu ôm chặt lấy nhau, hạnh phúc trong họ dâng trào nước mắt...
Được biết, cậu bé ngày xưa giờ đã là một thợ sửa chữa điện tử giỏi trên mảnh đất Nghĩa Đàn, Nghệ An. Sau 14 lần mổ để sống và bảo toàn cơ thể, cậu bé tiếp tục được Viện mổ chỉnh hình 2 lần, hiện nay, cơ thể, sức khỏe của anh đã trở lại gần như bình thường. Bây giờ, anh đã có vợ con, gia đình hạnh phúc... Ghi ơn Giáo sư Lê Năm và các y, bác sĩ Viện Bỏng, anh Dương đã lấy ngày 27-2 là ngày tổ chức sinh nhật hằng năm của mình.
Vị tướng tài - đức song toàn
Thiếu tướng Lê Năm, sinh ra từ vùng quê nghèo, hiếu học thuộc xã Hồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Từ chàng sinh viên trường Đại học Thương nghiệp (Đại học Thương mại ngày nay), sau đó vào bộ đội được đơn vị cử đi học nghề y, rồi được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Ông giữ trọng trách Giám đốc Viện Bỏng quốc gia từ năm 2000. Ông đã đi ra nhiều nước phát triển để nghiên cứu, học hỏi. Đặc biệt, năm 2001, ông sang Pháp dự hội nghị về ngành bỏng.
Cũng từ đây, những khát vọng, ý tưởng táo bạo bắt đầu lóe sáng trong ông. Ông tự nhận ra rằng, ngành y nói chung và ngành bỏng nói riêng, không thể thiếu sự kết hợp cùng khoa học, kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao và trình độ con người... Năm 2001, hàng loạt trang thiết bị hiện đại lúc bấy giờ trên thế giới được đầu tư, các kỹ thuật mới được triển khai, như: Kỹ thuật ô xi cao áp, kỹ thuật ghép da mắt lưới, kỹ thuật ghép da kiểu mảnh siêu nhỏ... Nhiều cán bộ của Viện đã được cử đi đào tạo, tập huấn ở các nước tiên tiến trên thế giới. Kết quả vượt ngoài mong muốn, nhiều bệnh nhân có độ bỏng sâu trên 78% và diện tích bỏng nông đến 90% đã được cứu sống, tỷ lệ tử vong hiện nay chỉ còn từ 1 đến 1,3%...
Nhắc đến ông, người ta thường nghĩ ngay đến con người hiền lành, gần gũi và say mê nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học ông đã trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài, trong đó, có 1 đề tài cấp Nhà nước, 5 đề tài cấp Bộ. Ông còn là Chủ nhiệm Dự án "Phòng chống bỏng trẻ em" của UNICEF và đã tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu, có ý nghĩa đặc biệt cho nền y học nước nhà như: Nghiên cứu ứng dụng ghép da điều trị bỏng sâu do luồng điện; Đề tài dùng da của người thân để phủ tạm thời bệnh nhân bị bỏng sâu, diện rộng; nghiên cứu ứng dụng trung bì da lợn bảo quản lạnh sâu điều trị vết thương bỏng. Hiện, ông giữ trọng trách quan trọng là Phó Chủ tịch Hội bỏng Việt Nam.
Có được thành công hôm nay, ông luôn biết ơn những đồng đội đã sát cánh, ủng hộ và giúp đỡ ông. Trong đó có Giáo sư Lê Thế Trung, người đầu tiên xây dựng Khoa Bỏng, Viện 103, người đã truyền lửa cho ông tiếp tục phát triển. Ông chia sẻ: Đạo đức của người thầy thuốc rất rộng, đòi hỏi mỗi người thầy thuốc phải phấn đấu cả đời. Đạo đức phải gắn liền với thái độ ân cần, tận tâm phục vụ người bệnh... Muốn làm được điều đó, mỗi người thầy thuốc phải không ngừng tự học hỏi, nâng cao trình độ y thuật để vững tin đứng trước sinh mệnh người bệnh.
Ông Năm cho biết thêm: Anh em ở đây có trên 30% đào tạo từ nước ngoài, 100% có trình độ sau đại học. Điều đáng mừng là các y, bác sĩ ở đây luôn coi trọng y đức và biết tự rèn mình để nâng cao y thuật, phục vụ người bệnh.
Vươn tầm cao mới
Đi giữa khuôn viên của Viện Bỏng, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dừng lại ở tầng 2 Khu điều trị bệnh nhân bỏng nặng, tôi ngỡ ngàng trước sự thoáng, sạch, rộng rãi và trang thiết bị hiện đại đang phục vụ bệnh nhân. Tôi buông câu hỏi với ông Năm: "Đây là những phòng đối tượng ưu tiên phải không Giáo sư?". Ông nhìn tôi tươi cười: "Ở đây, mọi người đều được chăm sóc và điều trị như nhau, chỉ có những bệnh nhân bỏng nặng được ưu tiên tập trung cấp cứu...".
Thay trang phục vô trùng, chúng tôi theo ông vào buồng điều trị, hầu hết là những ca bỏng đặc biệt nặng. Nhiều bệnh nhân không còn thấy mặt mũi, băng kín bông gạc, chân tay cố định với những dây băng, dịch chuyền và đặc biệt, nhiều ca đến Viện muộn, vết bỏng bị hoại tử, bốc mùi khó chịu. Tuy nhiên, với tình yêu thương con người, mọi khoảng cách, e dè, sợ sệt đã lắng chìm, nhường chỗ cho sự ân cần, chu đáo, tỉ mỉ trong mỗi y, bác sĩ. Chính Giáo sư Lê Năm là người thầy đã luyện được đội ngũ của mình có y đức như những mẹ hiền.
Trong nhiều việc mà ông và cán bộ Viện Bỏng đã làm được, không thể không nhắc đến dự án trùng tu, tôn tạo, xây mới quần thể Khu di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cách đây hơn 9 năm, vào ngày 31-10-2003, Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định phê chuẩn và giao cho Viện Bỏng quốc gia làm chủ đầu tư.
Từ khi thực hiện dự án đến nay, các hạng mục của quần thể khu di tích, bao gồm: Khu vực mộ, tượng đài, nhà thờ Lê Hữu Trác, khuôn viên đã đưa vào sử dụng, thu hút du khách tham quan. Không những là "người bạn lớn" của bệnh nhân chữa bỏng, ông còn được cán bộ, y, bác sĩ trong Viện vô cùng quý trọng, bởi ông luôn quan tâm đến đời sống của mọi người. Tất cả họ đều được Viện chăm lo nơi ở, thu nhập và đảm bảo những nhu cầu thiết yếu... để an tâm công tác, đồng sức cùng ông xây dựng và phát triển Viện Bỏng...
Viện Bỏng quốc gia được Chính phủ quyết định thành lập năm 1991. Đến nay, Viện đã trở thành địa chỉ tổ chức nhiều hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Dịp này, ông cùng đồng nghiệp vừa tổ chức Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 9, tại Việt Nam với chủ đề "Những thách thức trong điều trị bỏng toàn diện". Tại đây, các chuyên gia, các bác sĩ được cập nhật kiến thức về bỏng, đặc biệt là kỹ năng và kinh nghiệm trong chăm sóc và điều trị bỏng... Hội thảo là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa các chuyên gia hàng đầu về bỏng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Những đóng góp đó, có một phần từ trái tim yêu thương, tâm, tầm, tài, đức của Viện Bỏng quốc gia hôm nay. Hơn 20 năm nỗ lực, Viện Bỏng đã lớn mạnh từng ngày. Bộ Y tế đã đánh giá: "Viện Bỏng quốc gia là giấc mơ của Bộ Y tế"... Viện đã 2 lần được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" trong thời kỳ đổi mới, nhiều năm là Bệnh viện xuất sắc của Bộ Y tế... Giáo sư Lê Năm đã được phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân"...
Văn Hạnh