Cái duyên với nghiệp chữa bệnh “vô sinh”
Tôi có mặt tại Trung tâm Công nghệ phôi vào trung tuần tháng 6. Mặc dù đã hẹn từ trước, nhưng khi đến phòng làm việc, ông lại đang bận thăm khám bệnh nhân. Chị nhân viên nhã nhặn mời tôi vào phòng chờ, “Anh thông cảm, hôm nay bệnh nhân đông quá!”-vừa rót nước mời khách, chị vừa thanh minh.
Tranh thủ thời gian chờ đợi, tôi xuống tham quan một vòng phòng khám. Không khí oi bức của ngày hè, cộng với khoảng không gian chật hẹp làm cho phòng khám càng thêm ngột ngạt. Thế nhưng, hàng trăm bệnh nhân vẫn kiên nhẫn chờ tới lượt mình. Với họ, cái nóng bức ở đây dường như chẳng thấm vào đâu so với sự “nóng trong lòng” đã chịu đựng nhiều năm qua. Mỗi người một quê, một cảnh ngộ, một lý do hiếm muộn khác nhau. Song, khi đã đến đây, họ đều có chung một niềm hy vọng, một khao khát cháy bỏng là có được đứa con của chính mình…
Hơn 9 giờ, khi lượng bệnh nhân đã vơi phân nửa, bác sĩ Lâm mới có thể “rút” khỏi phòng khám. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, ông mỉm cười: “Sốt ruột quá phải không? Ta vào việc luôn nhé.”… Như đã hẹn, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh vấn đề được coi là “nan giải” của thời đại: Bệnh vô sinh.
Bác sĩ Lâm kể, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm năm 2008. Thế nhưng, cái nghiệp “hiếm muộn” này đã “bén duyên” với ông ngay từ ngày còn là học viên Học viện Quân y. “Không hiểu sao bệnh vô sinh có sức cuốn hút với tôi đến vậy. Ngày ấy không có điều kiện nghiên cứu như bây giờ. Tài liệu cũng chỉ tham khảo ở thư viện. Nhưng tranh thủ, cứ rỗi lúc nào là tôi lại có mặt ở đó, có khi “say” hơn cả bạn gái”.
Tốt nghiệp Học viện Quân y với tấm bằng loại khá, trong khi nhiều bạn bè tìm cơ hội ở các bệnh viện lớn để lập nghiệp, tiến thân thì ông lại xin về Bộ môn Mô phôi (tiền thân của Trung tâm Công nghệ phôi), vừa tham gia giảng dạy, vừa làm công tác nghiên cứu khoa học. Mãi sau này, khi có quyết định thành lập, tài sản đáng giá nhất của trung tâm ngoài ba gian phòng làm việc, một số dụng cụ cần thiết, như tủ ấm CO2 dùng để lưu trữ tinh trùng và noãn; tủ cấy vô khuẩn; kính hiển vi, còn lại, phần lớn các trang, thiết bị khác đều phải đi “mượn”... Đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên cũng thiếu rất nhiều, phần đông mới được điều chuyển từ các bộ môn khác tới…
“Cơn bĩ cực cuối cùng cũng đã qua đi. Được sự quan tâm của trên, một tòa nhà 5 tầng khang trang được xây dựng làm trụ sở. Nhiều trang, thiết bị hiện đại, như: Thiết bị xét nghiệm nội tiết tố (dùng để phát hiện nguyên nhân vô sinh); máy xét nghiệm tinh dịch đồ tự động; kính hiển vi điện tử; hệ thống thiết bị tự động phục vụ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON)… được mua sắm, bổ sung đầy đủ. Đội ngũ thầy thuốc, kỹ thuật viên cũng được gửi đi đào tạo chuyên sâu trong nước và các nước có trình độ công nghệ mô phôi tiên tiến trên thế giới như Đức, Xin-ga-po, Hàn Quốc... Hiện nay, mỗi năm Trung tâm đã tiến hành hơn 10.000 xét nghiệm, 500 lần thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sinh thiết tinh hoàn, lọc rửa, lưu trữ tinh trùng, làm TTTON... bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, Trung tâm còn có khả năng thực hiện hơn 100 ca sinh thiết mở tinh hoàn; bơm tinh trùng vào tử cung cho 800-1000 lượt người; làm thụ tinh ống nghiệm cho 200-300 người; tỷ lệ thành công chung khoảng 20%” - bác sĩ Lâm cho biết.
Tiếp sau đó, bác sĩ Lâm kể cho tôi nghe về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: Tình trạng vô sinh ở nước ta ngày càng có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với nữ, có vô sinh nguyên phát (như không có kinh, không rụng trứng, buồng trứng đa nang, dị dạng cơ quan sinh sản...) và vô sinh thứ phát (do viêm nhiễm tử cung, vòi trứng, gây ứ nước, ứ mủ vòi trứng, hoặc suy buồng trứng sớm...). Với nam, vô sinh chủ yếu là do tinh trùng yếu, ít và không có tinh trùng. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với đặc điểm thể chất, sinh lý, sức khỏe từng đối tượng. Hiện Trung tâm đã làm chủ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó có TTTON. Đây là kỹ thuật phức tạp, tốn nhiều thời gian, tỷ lệ thành công lại chỉ đạt trên dưới 15%. Mỗi ca TTTON là một cuộc “chiến đấu trường kỳ” của cả thầy thuốc và người bệnh, trong đó, việc khám, kiểm tra, xét nghiệm và tư vấn tâm lý cho người bệnh có ý nghĩa quyết định. Điều đáng mừng là, cho đến nay trong tổng số 3000 cháu ra đời bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản (trong đó gần 1.500 cháu ra đời bằng TTTON), Trung tâm chưa để xảy ra sai sót nào đáng tiếc.
Không cần lật tìm hồ sơ, ông kể về hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình hiếm muộn đã TTTON thành công tại trung tâm. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Bích N, sinh năm 1971, nhà ở phố Vĩnh Tuy (Hà Nội), có chồng đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hai anh chị cưới nhau hơn 10 năm nhưng chưa có con vì chị bị tắc cả hai vòi trứng. Khi đến Trung tâm khám, các bác sĩ đã chọn chị là một trong 10 cặp thực hiện TTTON đầu tiên. Thật vui, sau khi tiến hành TTTON chị đã sinh đôi một trai, một gái trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình và dòng họ. Một cặp vợ chồng ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), sau nhiều năm “im ắng” chuyện con cái đã đến trung tâm xin khám. Hơn một năm kiên trì điều trị, chị đã có thai và sau đó sinh được một bé trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Còn trường hợp chị Nguyễn Thị T, quê ở Thanh Hóa là một trường hợp khá đặc biệt. Hai vợ chồng chị sống với nhau gần 20 năm nhưng không có con. Trong lúc tuyệt vọng, chị tìm đến trung tâm, mong muốn được hỗ trợ... Cảm thông với hoàn cảnh của chị, trung tâm đã tiến hành ca TTTON thành công ngoài mong đợi: Chị đã sinh đôi một trai, một gái. Hạnh phúc muộn mằn đến với chị khi vừa bước sang tuổi 51. “Rất nhiều trường hợp vô sinh nguyên phát, tưởng đã hết hy vọng nhưng đã TTTON thành công tại trung tâm. Hầu hết những đứa trẻ đều nhận tôi là bố nuôi nên có lẽ ở Việt Nam, tôi là người bố có nhiều con nhất” - anh Lâm vui vẻ nói.
Người “gắn đuôi cho tinh trùng”
Đó là tên mọi người gắn cho TS Quản Hoàng Lâm từ mấy năm nay. Mới nghe, tôi cứ tưởng chuyện đùa. Hỏi ra tôi mới biết đúng là như vậy. Nó xuất phát từ đề tài nghiên cứu cấp bộ về nuôi cấy tinh tử và phôi túi do ông làm chủ nhiệm. Ông kể: “Quá trình khám bệnh, tôi tận mắt chứng kiến nỗi đau của những người đàn ông không thể có con mà không thể khóc. Có những người đàn ông lấy hai, ba vợ chỉ cốt mong có được đứa con của chính mình mà cũng khó. Tôi muốn phải làm gì đó để phần nào làm vơi đi nỗi đau cho họ…”.
Quá trình nghiên cứu mẫu tinh dịch không có tinh trùng của hơn 200 nam giới, bác sĩ Lâm và các cộng sự phát hiện thấy: Trong số mẫu tinh tử đã bị thoái hóa, vẫn có một số tinh tử vẫn có thể “cấy đuôi” để thành tinh trùng. Mặc dù quá trình nuôi cấy tinh tử không hề đơn giản, nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện. Đầu tiên, các bác sĩ lấy các tế bào dòng tinh (tinh tử) để nuôi cấy, phân lập, tạo ra các tế bào mới có khả năng thụ tinh. Tiếp đó, bơm tinh trùng trưởng thành vào bào tương của trứng, tạo thành phôi rồi đặt vào tử cung người vợ. Trước khi tiến hành nuôi cấy tinh tử, người chồng được theo dõi và cho dùng thuốc từ 3 đến 6 tháng liên tục. Kết thúc quá trình này, đúng ngày rụng trứng của người vợ, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ mảnh tinh hoàn, lấy khoảng 100-200 tế bào dòng tinh, nuôi cấy ở môi trường đặc biệt trong thời gian 24 giờ. Sau đó chọn một tinh tử đã mọc đuôi để tiêm thẳng vào buồng trứng. Bệnh nhân phải đạt ba tiêu chuẩn mới được chấp nhận điều trị bằng kỹ thuật nuôi cấy tinh tử, đó là: Có rối loạn sinh tinh đến giai đoạn hình thành tinh tử; sức khỏe tốt, không mắc các bệnh di truyền, truyền nhiễm (HIV, viêm gan B…); được khám, xét nghiệm và dùng thuốc kích thích sinh tinh từ 3 đến 18 tháng. Nếu nuôi không đạt, phải làm lại từ đầu.
Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp nuôi tinh tử là cháu Lưu Ngọc M, con anh Lưu Văn C (quê ở Bắc Giang). Cháu M sinh tháng 12-2007, đến nay cháu rất khỏe mạnh và phát triển bình thường như các bạn bè khác cùng trang lứa. Đây cũng là sự kiện khoa học tiêu biểu của nước ta năm 2008. Cũng nhờ phương pháp này, năm 2008, chị Hoàng Thị A, 27 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã sinh một cháu trai; năm 2009, chị Phùng Mai A, quê ở Bình Định cũng đã sinh một bé gái...
Nhắc lại những ngày tháng điều trị căn bệnh vô sinh cho anh Lưu Văn C, PGS, TS Quản Hoàng Lâm vẫn không giấu được cảm xúc. Ông kể, vợ chồng anh C lấy nhau hơn ba năm mà vẫn không thấy “tin mừng” nên vợ chồng anh lo lắng vô cùng, vì cả hai đều khỏe mạnh, chuyện “sinh hoạt” không gặp bất cứ trục trặc nào. Khi đi khám, biết bệnh của mình, anh bàng hoàng. Bắt đầu những ngày tháng anh ngược xuôi khắp trong Nam, ngoài Bắc để chữa trị. Ai mách ở đâu có thầy hay, thuốc giỏi chữa vô sinh, vợ chồng anh đều lặn lội tìm đến. Càng ngày, nỗi thất vọng càng lớn… Cho đến một ngày đầu năm 2005, anh được một người bà con đưa đến trung tâm. Hơn một năm ròng rã khám, xét nghiệm, uống thuốc điều trị, mổ… cuối cùng điều kỳ diệu đã đến: Tinh trùng của anh đã được nuôi cấy thành công và vợ anh đã thụ thai. Gần 9 tháng sống trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng, ngày 14-12-2007, cháu Lưu Ngọc M đã chào đời khỏe mạnh, nặng 3,2kg... Mới đây, vợ chồng anh C lại tiếp tục đến trung tâm để nuôi cấy tinh tử và tháng 5 vừa rồi, vợ anh đã sinh đôi một trai, một gái.
Chia tay PGS, TS Quản Hoàng Lâm, tôi mang theo điều trăn trở, suy tư của ông: Hiện ở nước ta, nhu cầu khám, điều trị vô sinh rất lớn; phần lớn những người đến đây đều là những người nghèo, đã chữa trị nhiều nơi, rất mặc cảm về bệnh tật. Trong khi chi phí khám, chữa vô sinh lại rất tốn kém, khiến nhiều gia đình không thể thực hiện được. Mong rằng, thời gian tới, lĩnh vực khám, điều trị bệnh vô sinh sẽ được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ hoặc một phần nào đó. “Có như vậy, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn mới có thể hy vọng được tiếp cận các phương pháp điều trị vô sinh hiện đại và sớm được hưởng niềm hạnh phúc chính đáng”- TS Lâm chia sẻ.
Bài và ảnh: TRIỆU NGUYỄN