1. Chỉ huy đơn vị:
- Trưởng phòng: Đại tá Nguyễn Văn Ba.
- Phó Trưởng phòng: Trung tá Đỗ Như Bình.
2. Thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực hiện và quản lý các công trình nghiên cứu khoa học:
Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành với những bước thăng trầm của lịch sử, Phòng Nghiên cứu khoa học (nay là Phòng Khoa học Quân sự) đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Đó là, Phòng KHQS đã tổ chức thực hiện 19 dự án cấp Nhà nước, 267 đề tài cấp Bộ, 112 đề tài cấp học viện.
Hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, tiêu biểu là các mũi nhọn:
Ghép tạng:
- Ghép thận: Năm 1992 ca ghép thận trên người lần đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công tại Học viện Quân y. Đến nay, toàn quốc đã có hàng trăm bệnh nhân được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép thận. Sau thành công trong việc ghép thận, từ 1997 - 2003, Học viện Quân y được Bộ Y tế giao là đơn vị chủ trì dự án ghép tạng. Cụm công trình ghép tạng của Học viện Quân y đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005.
- Ghép gan: Phòng KHQS đã tập hợp được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong và ngoài quân đội, chuyên gia nước ngoài và đã tổ chức ca ghép gan trên người đầu tiên thành công tại Việt Nam (31/01/2004) từ đó chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế khác.
- Ghép tim: Học viện Quân y thực hiện thành công ca ghép tim từ một người chết não đầu tiên tại ViệtNam ngày 17/06/2010. Điều đáng nói, cái khó nhất của ca ghép tim này không phải là kỹ thuật ghép tim mà là việc vận động gia đình có người thân bị chết não hiến tặng tim.
Công nghệ sinh học:
Học viện Quân y đã triển khai nghiên cứu ứng dụng tế bào và tế bào gốc trong điều trị bệnh. Cụ thể là:
- Đã và đang nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy nguyên bào sợi, quy trình nuôi cấy tế bào sừng để điều trị vết thương vết bỏng.
- Bước đầu nghiên cứu nuôi cấy, biệt hoá tế bào gốc sinh tinh phục vụ điều trị vô sinh nam giới do không có tinh trùng.
- Phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị các tổn thương cơ, xương, khớp khó liền.
- Phối hợp với Công ty MEKOPHAR nghiên cứu phân lập tế bào gốc từ màng dây rốn.
- Đang xây dựng đề án phối hợp với Công ty MAMPROTECH, Australia để xây dựng Ngân hàng tế bào gốc ở miền Bắc Việt Nam. Phía đối tác đã thăm và làm việc với Học viện và nhất trí triển khai dự án hợp tác.
- Hiện nay, Học viện Quân y đang hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng Ngân hàng tế bào gốc.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phôi: đã nghiên cứu ứng dụng quy trình kỹ thuật và thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm, phát triển kỹ thuật lọc, rửa và bảo quản tinh trùng. Học viện Quân y là cơ sở thứ 3 trên toàn quốc thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đến nay, Trung tâm Công nghệ phôi đã cho ra đời gần một nghìn cháu bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và hỗ trợ sinh sản, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.
- Bước đầu thành công trong nghiên cứu quy trình sản xuất một số chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị. Điển hình là ứng dụng kỹ thuật PCR phục vụ nghiên cứu chẩn đoán bệnh, nghiên cứu chế tạo vacxin phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp, huyết thanh kháng trực khuẩn mủ xanh, huyết thanh kháng nọc rắn.
- Tập trung nghiên cứu các kỹ thuật gen, ADN để chẩn đoán dị tật trước sinh, nhận dạng cá thể xác định huyết thống và giám định pháp y.
- Xây dựng ngân hàng chủng, ngân hàng gen của các mầm bệnh, hiện tại đã có 300 chủng mẫu gen mầm bệnh trong ngân hàng.
- Ứng dụng thành công công nghệ tế bào gốc thực vật, nuôi cấy sinh khối sâm Ngọc Linh, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất một số chế phẩm phục vụ đời sống. Đây là công nghệ tiên tiến được thực hiện thành công đầu tiên ở Việt Nam. Bước đầu nuôi cấy sinh khối tế bào gốc cây thông đỏ Việt Nam, Sâm Vũ Diệp.
Kế thừa và phát triển y học cổ truyền:
- Đã nghiên cứu áp dụng quy trình châm tê phẫu thuật vào mổ cho gần 10.000 trường hợp an toàn. Các trường hợp được mổ bằng châm tê được hồi phục nhanh và không gây biến chứng phụ do thuốc mê.
- Nghiên cứu bào chế nhiều chế phẩm từ dược liệu trong nước như B76, Maduxin, Phylamin, CM2… Nhiều sản phẩm đã được lưu hành rộng rãi trên thị trường. Trong đó sản phẩm Phylamin, Rotundin sulphat đã được cấp bằng sáng chế độc quyền, được nhận giải nhất Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC.
Trong những năm qua, các đề tài, dự án đều hoàn thành đúng tiến độ và đạt kết quả tốt. Nhiều kết quả của các đề tài, dự án đã được ứng dụng vào điều trị, giáo dục- đào tạo và phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước.
3. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với nhiệm vụ đào tạo:
Nhiều đề tài tập trung nghiên cứu đổi mới hoạt động đào tạo, các hình thức, biện pháp để tích cực hóa hoạt động giảng dạy, tự đào tạo, các hình thức sử dụng phương tiện dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy đại học… Phòng đã nghiên cứu xây dựng phần mềm thi trắc nghiệm để phục vụ công tác thi và kiểm tra. Năm 2008, tại triển lãm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ huấn luyện và đào tạo, phần mềm được Bộ Quốc phòng đánh giá cao và có thể áp dụng trong các nhà trường quân đội.
Nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ đã được ứng dụng vào công tác đào tạo như bộ CD một số thủ thuật ngoại khoa lâm sàng, công nghệ mô phỏng trong giảng dạy ở các bộ môn hình thái, phần mềm sách điện tử giải phẫu hệ tuần hoàn, sách điện tử giải phẫu vùng đầu- mặt- cổ; công nghệ truyền hình trong giảng dạy và học y học, các giải pháp kết hợp giáo dục y đức thông qua dạy học các môn y học chuyên ngành.
Hàng năm, cán bộ, giảng viên trong Học viện có hàng trăm bài báo, công trình nghiên cứu khoa học đăng tải trong các Tạp chí chuyên ngành ở trong nước và quốc tế.
4. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên:
Học viện Quân y là một trong các nhà trường có hoạt động khoa học công nghệ tuổi trẻ sôi nổi nhất trong các trường đại học trong cả nước.
Trong 10 năm trở lại đây, Phòng KHQS đã hướng dẫn, tổ chức cho trên 400 đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ và sinh viên báo cáo tại các Hội nghị KHCN tuổi trẻ và Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học. Kết quả 05 lần tham gia Hội nghị khoa học tuổi trẻ ngành Y-Dược toàn quốc đã có 32 đề tài đoạt giải.
Năm 2002, có 02 đề tài đạt giải nhất Giải thưởng VIFOTEC, 01 giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên Hợp quốc, đây là giải thưởng duy nhất trao cho sinh viên các Trường Đại học trong toàn quốc năm 2002 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Nhiều năm liền, Học viện có sinh viên đoạt giải nhất giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học và VIFOTEC.
Học viện Quân y được đánh giá là Trường có hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học mạnh nhất trong ngành giáo dục và đào tạo với thành tích 13 năm liền được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.
5. Hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với điều trị và các nhu cầu xã hội:
Nghiên cứu khoa học gắn với điều trị:
Các công trình khoa học do Phòng KHQS quản lý luôn gắn với công tác chẩn đoán và điều trị. Đó là các công trình nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, ứng dụng nội soi trong chẩn đoán và điều trị, can thiệp mạch máu, điều trị ung thư và các bệnh hiểm nghèo, phục hồi chức năng cho thương bệnh binh... Các công trình này đã góp phần phát hiện và cứu sống nhiều người bệnh.
Nghiên cứu khoa học phục vụ đấu tranh ngoại giao:
Học viện Quân y mà cơ quan thường trực là Phòng KHQS được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế giao nhiệm vụ thu thập các bằng chứng có giá trị khoa học và pháp lý về hậu quả của chất độc da cam/dioxin đến sức khoẻ con người để tham gia đấu tranh ngoại giao. Trong hai năm 2002- 2004, nhóm nghiên cứu đã thu thập được trên 60% số hồ sơ so với tổng số hồ sơ của toàn quốc để phục vụ cho đấu tranh ngoại giao.
Nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội:
Mặc dù với số kinh phí của sự nghiệp khoa học không lớn, nhưng Học viện luôn xác định nghiên cứu phải gắn với thực tế huấn luyện, chiến đấu của đơn vị và nhu cầu xã hội.
Nhiều chương trình, dự án do Phòng quản lý đã góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bộ đội như chương trình phát triển y học quân binh chủng, nghiên cứu các biện pháp nâng cao khả năng thích nghi cho bộ đội ở các môi trường lao động khác nhau, nghiên cứu dự phòng các bệnh nghề nghiệp…
Các sản phẩm khoa học, công nghệ như các loại dược phẩm, trung bì da lợn, xương đồng loại… cũng được nhiều cơ sở y tế trong cả nước ứng dụng.
Quá trình xây dựng và phát triển phòng Khoa học Quân sự đã được nhà nước tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1983); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba do Chủ tịch nước tặng (6/2006); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1982, 2003); Bộ KHQS tặng cờ thưởng năm 2002; Nhiều năm được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thành tích KHQS (1996, 1997, 2000, 2001, 2004, 2005); Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2003, 2005); Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCSHCM (2003); Nhiều năm được Học viện tặng Bằng khen và 6 năm liền đạt đơn vị Quyết thắng (2000, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005).
6. Liên hệ:
- Phòng KHQS - Học viện Quân y - Hà Đông - Hà Nội.