1. Ban Chủ nhiệm:
- Chủ nhiệm Khoa: Đại tá PGS.TS. Đinh Hồng Dương
- Phó Chủ nhiệm Khoa:
2. Lịch sử thành lập:
Ngày 2 tháng 6 năm 1962, trên cơ sở các khoa Dịch tễ, Vệ sinh, Vi trùng và Ký sinh trùng, Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay) quyết định tổ chức lại thành hai khoa: Khoa Dịch tễ - Vi sinh vật và Khoa Vệ sinh. Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ - Vi sinh vật là Phó tiến sĩ Nguyễn Tăng Ấm.
Đến năm 1966, Viện Nghiên cứu Y học Quân sự chuyển thành Trường Đại học Quân y (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay). Năm 1967, Trường Đại học Quân y quyết định tách Khoa Dịch tễ - Vi sinh vật thành 3 khoa: Khoa Dịch tễ, Khoa Vi sinh vật và Khoa Ký sinh trùng. Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ là Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Ái Phương (Phó tiến sĩ Nguyễn Tăng Ấm đã là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quân y).
Trên cơ sở đó, ngày 2 tháng 6 năm 1962 là ngày thành lập khoa Khoa Dịch tễ - Vi sinh vật, và trở thành ngày truyền thống hằng năm của Bộ môn Dịch tễ học - Học viện Quân y.
CHỦ NHIỆM BỘ MÔN QUA CÁC THỜI KỲ:
- Từ 1962 - 1967: Phó tiến sĩ Nguyễn Tăng Ấm làm Chủ nhiệm Khoa (Tiến sĩ năm 1960; Giáo sư năm 1980. Từ năm 1976, chuyển ngành và là Thứ trưởng Bộ Y tế).
- Từ 1967 - 1975: Bác sĩ Nguyễn Ái Phương làm Chủ nhiệm Bộ môn (Phó giáo sư năm 1980; Giáo sư năm 1992. Từ tháng 3/1975, chuyển ngành và công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên).
- Từ 1975 - 1988: Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Long làm Chủ nhiệm Bộ môn (Phó giáo sư năm 1984).
- Từ 1988 - 1992: Phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Kim Bảng làm Chủ nhiệm Bộ môn (Tiến sĩ năm 1988; Phó giáo sư năm 1991).
- Từ 1992 - 1998: Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Đính làm Chủ nhiệm Bộ môn (Tiến sĩ năm 1981; Phó giáo sư năm 1996; Giáo sư năm 2009. Từ năm 1998 chuyển về Cục Quân y rồi chuyển ngành và là Phó Giám đốc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương).
- Từ 1998 - 2008: Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Huy Hậu làm Chủ nhiệm Bộ môn (Tiến sĩ năm 1988; Phó giáo sư năm 2002).
- Từ 2008 - 2011: Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Vinh làm Chủ nhiệm Bộ môn (Tiến sĩ năm 1992; Phó giáo sư năm 2009).
- Từ tháng 8/2011 đến nay: Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Hồng Dương làm Chủ nhiệm Bộ môn (Tiến sĩ năm 2007; Phó giáo sư năm 2015).
3. Các chuyên ngành đào tạo, bậc học:
- Chuyên ngành đào tạo: Dịch tễ học
- Bậc học: Đại học, Sau đại học (Tiến sĩ, Thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, II).
4. Thành tích:
Đào tạo:
Kể từ khi có quyết định đào tạo đại học đến nay Bộ môn đã đào tạo được 44 khoá Bác sĩ dài hạn; 12 khóa Dược sĩ dài hạn; 13 khóa Bác sĩ chuyên tu cùng nhiều khóa Cao đẳng kĩ thuật, Cao đẳng điều dưỡng...
Về đào tạo sau đại học, tính đến năm 2015, Bộ môn đã đào tạo được 37 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; 8 nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ (chưa bảo vệ); 71 thạc sĩ (gồm 59 thạc sĩ chuyên ngành dịch tễ học và 12 thạc sĩ chuyên ngành Y học dự phòng) đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ; 3 học viên thạc sĩ đang làm luận văn (chưa bảo vệ); 9 chuyên khoa cấp II chuyên ngành dịch tễ học và nhiều học viên đã tốt nghiệp chuyên khoa cấp I tại Bộ môn. Đối tượng đào tạo là cán bộ trong và ngoài quân đội, nhiều người trong số này hiện đang giữ những cương vị phụ trách các cơ quan y tế (dân sự) cũng như trong các cơ quan quân y (quân đội).
Ngoài chuyên ngành Dịch tễ học, Bộ môn còn đảm nhiệm lên lớp một số tín chỉ cho các chuyên ngành liên quan như: Vệ sinh, Vi sinh vật, Y tế công cộng, Truyền nhiễm, Da liễu. Bộ môn còn được phân công phụ trách tín chỉ Dịch tễ học lâm sàng cho khối chuyên ngành nội - ngoại.
Nghiên cứu khoa học:
Trong nhiều năm qua, Bộ môn Dịch tễ học có truyền thống quan hệ tốt với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài Quân đội như: Bộ Y tế, Đơn vị chăm sóc sức khỏe ban đầu (Bộ Y tế), Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình (nay là Tổng cục dân số), Trường Đại học y Hà Nội, Trường Đại học y tế công cộng, Trường Đại học quốc gia, Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế... Nhiều đề tài khoa học đã được phối hợp triển khai thành công trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là:
- Chiến tranh sinh học và biện pháp phòng chống (Đề tài 66A, 1988); các lĩnh vực nghiên cứu Y học quân sự và Dịch tễ học quân sự;
- Nghiên cứu Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu; Chính sách và chiến lược kết hợp quân dân y; Chính sách dân số và Kế hoạch hóa gia đình;
- Nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với cựu chiến binh và đối với nhân dân ở một số khu vực ô nhiễm (Đề tài Z1, Z2, Z3);
- Nghiên cứu về các bệnh nhiễm trùng - truyền nhiễm: Lao, HIV/AIDS, STDs...;
- Thử nghiệm lâm sàng vắc xin: Vắc xin viêm gan A, B; vắc xin sởi, cúm, Rubella, viêm não Nhật Bản, tả, lỵ trực khuẩn... Các vắc xin này đã được đưa vào sử dụng trong cộng đồng và trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ môn Dịch tễ học đã được Bộ Y tế công nhận là đơn vị thử nghiệm lâm sàng vắc xin hàng đầu ở Việt Nam hiện nay (2011);
- Ngoài ra, Bộ môn còn tham gia các hoạt động phòng và chống dịch cho các đơn vị trong toàn quân và một số địa phương (dân y) khi có yêu cầu. Thực hiện việc giám sát HIV cho tân binh hằng năm theo kế hoạch của Cục Quân y.
Cơ sở vật chất:
Cho đến nay Bộ môn đã có đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy các đối tượng đại học, cao học, nghiên cứu sinh với: phòng học, giảng đường, học cụ, máy móc. Nhiều trang thiết bị trong số này được cấp mới trong những năm gần đây.
Có một Labo huyết thanh với nhiều trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thư viện, phòng đọc, máy tính, internet truy cập tài liệu….
5. Liên hệ:
- Khoa Dịch tễ học Quân sự - Học viện Quân y: đường Phùng Hưng, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.