Ban Chủ nhiệm:
- Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa: Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Thái Sơn
- Phó Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa: Đại tá, PGS.TS. Lê Thu Hồng
I. Lịch sử thành lập
Bộ môn Vi sinh nằm trong khoa “Dịch tễ - Vi sinh” thuộc Học viện Quân y thành lập ngày 02/06/1962. Khoa Vi sinh vật, BV 103 thành lập ngày 18/6/1983. Ngày 24/7/1992 Bộ môn và Khoa VSV sáp nhập thành Bộ môn-Khoa Vi sinh y học thuộc BV 103, Học viện Quân y (QĐ số 466/HC-2 ngày 24/7/1992 của Giám đốc Học viện quân y).
Chủ nhiệm Bộ môn: GS. TS Ngô Vi Đại (1962- 1988), GS.TS Nguyễn Đình Bảng (1989 - 1997), PGS.TS Hoàng Ngọc Hiển (1997- 2007); Từ 2007 đến nay là PGS.TS Nguyễn Thái Sơn.
Chủ nhiệm Khoa: BS Lưu Đắc Trung (1983- 1992), GS.TS Nguyễn Đình Bảng (1992- 1996), PGS.TS Hoàng Ngọc Hiển (1996- 2001), TS. Nguyễn Văn Việt (2001-2014); Từ 2015 đến nay là PGS.TS Nguyễn Thái Sơn.
II. Chức năng nhiệm vụ
Bộ môn-Khoa (BMK) Vi sinh y học vừa là Bộ môn của Học viện Quân y với chức năng giảng dạy và nghiên cứu vừa là một khoa cận lâm sàng của Bệnh viện 103 nên đơn vị có 3 chức năng nhiệm vụ: Đào tạo chuyên ngành Vi sinh y học cho các đối tượng đại học và sau đại học, xét nghiệm phục vụ điều trị, nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy và điều trị. Ngoài ra do đặc thù chuyên ngành, BMK có thêm nhiệm vụ phục vụ phòng chống dịch với công việc cụ thể là tìm nguyên nhân và tư vấn cho công tác điều tra, phòng chống dịch trong quân đội.
III. Tổ chức hoạt động
Thời điểm hiện tại (2018), BMK có 11 cán bộ giảng viên và trợ giảng (trong đó 06 là giảng viên, 03 PGS, 05 Thạc sĩ, 01 NCS), 01 cử nhân sinh học, 10 kỹ thuật viên và 01 công vụ, vận hành 06 bộ phận chức năng khác nhau (Nuôi cấy, định danh vi khuẩn và kháng sinh đồ - XN HIV và huyết thanh học - XN lao - Sinh học phân tử - Sản xuất môi trường nuôi vi khuẩn - Xử lý dụng cụ ô nhiễm) chưa kể công tác đào tạo, phục vụ lấy mẫu tại phòng khám.
1. Đào tạo
Bộ môn-Khoa Vi sinh thuộc Bệnh viện Quân y 103 là đơn vị duy nhất trong Quân đội có mã số đào tạo các Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành Vi sinh y học. Bộ môn đã tham gia đào tạo Đại học y, dược từ khóa đầu tiên của Học viện Quân y cho đến nay với hàng ngàn lượt sinh viên. Cùng với sự phát triển của đất nước và yêu cầu đào tạo trình độ cao, BMK đã chính thức mở mã số đào tạo Sau Đại học từ 1992, đến nay đã đào tạo được 20 tiến sĩ và 54 thạc sĩ chuyên ngành, ngoài ra còn đào tạo Vi sinh cho nhiều khóa cao học, NCS, và chuyên khoa các môn liên quan.
2. Xét nghiệm chẩn đoán và phục vụ điều trị
Các cán bộ của BMK đều có chứng chỉ về quản lý chất lượng xét nghiệm của CDC (Mỹ), nhiều cán bộ đã được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực chẩn đoán IVD - In Vitro Diagnostics tại các nước phát triển (Thụy Điển, Mỹ, Đức, Nhật Bản...). Một số kỹ thuật tiêu biểu đang thực hiện tại BMK:
*Xét nghiệm khẳng định HIV: Phòng xét nghiệm HIV tại BMK Vi sinh là phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn Phòng xét nghiệm được khẳng định các trường hợp HIV dương tính của Bộ Y tế; Trung bình mỗi năm thực hiện 50.000 XN HIV.
*Xét nghiệm kháng thuốc kiểu hình và kiểu gen: Phối hợp với Viện Truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản xác định tính kháng thuốc kiểu hình và kiểu gen của các vi khuẩn mới nổi gây bệnh.
*Xét nghiệm Sinh học phân tử: Thực hiện đa dạng các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán và điều trị trên hệ thống IVD: đo tải lượng HBV, HCV, HIV và CMV; phát hiện Neisseria meningitidis (cầu khuẩn màng não), Herpes simplex virus (HSV), Human papillomavirus genotype (HPV - Virus gây ung thư cổ tử cung), Respiratory syncytial virus (RSV - Virus gây viêm đường hô hấp cấp), Neisseria gonorrhoeae (vi khuẩn lậu); Phát hiện nhanh vi khuẩn lao kháng RMP trên hệ thống GeneXpert.
*Xét nghiệm khác: Chẩn đoán vi khuẩn H. pylori bằng nhiều phương pháp, phân biệt chủng độc gây viêm loét dạ dày và chủng không độc; Xét nghiệm QuantiFeron chẩn đoán nhiễm lao tiềm ẩn; Xét nghiệm phục vụ du học sinh theo yêu cầu của các trường Đại học của Mỹ, châu Âu.
* Tất cả các xét nghiệm thực hiện tại BMK Vi sinh, Bệnh viện QY 103 là xét nghiệm IVD (IVD là hệ thống đồng bộ thiết kế riêng cho chẩn đoán y khoa trên người, bao gồm cấu trúc phòng XN - Hệ thống máy - Hóa chất có chứng nhận Quốc tế IVD và kết quả được Ngoại kiểm từ một cơ quan Quốc tế hoặc Quốc gia chuyên trách). Xét nghiệm có chứng nhận IVD chuyên biệt cho mục đích chẩn đoán trên người và có kiểm chứng nên có độ tin cậy và độ ổn định cao, có thể liên thông với các Bệnh viện ở các quốc gia khác nhau.
3. Nghiên cứu khoa học
Bộ môn khoa có truyền thống nhiều năm về công tác NCKH, tất cả các giảng viên đều tham gia nhiều đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước, hàng năm đều hướng dẫn học viên làm đề tài và đạt nhiều giải cấp Học viện và Vifotex. Đơn vị đã chủ trì 02 và tham gia 05 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì 08 và tham gia nhiều đề tài cấp Bộ. Từ các đề tài này đã có nhiều ứng dụng vào thực tế: thông qua các đề tài đã đào tạo nhiều Tiến sĩ và Thạc sĩ chuyên ngành, có 04 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật định danh mới vào xét nghiệm phục vụ người bệnh. Đồng thời với triển khai đề tài, BMK đã hướng dẫn nhiều nhóm học viên làm NCKH và đạt nhiều giải thưởng cấp Quốc gia (Giải Khoa học Công nghệ thanh niên toàn quốc, Giải VIFOTEC) và cấp Học viện.
IV. Danh sách cán bộ, giảng viên hiện đang công tác